Nhà thờ Phạm Pháo - Một trong 3 nơi truyền Đạo đầu tiên tại Việt Nam


Nhà thờ Phạm Pháo là một trong số ít nhà thờ cổ làm bằng gỗ lim được bảo quản gần như nguyên vẹn với lối kiến trúc độc đáo. Nơi đây thuộc Quần Anh (Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định), là một trong 3 nơi truyền Đạo đầu tiên tại Việt Nam.

MỤC LỤC

 I. Giáo xứ Phạm Pháo - một trong 3 nơi truyền đạo đầu tiên tại Việt Nam

 II. Nhà thờ Phạm Pháo - Công trình kiến trúc cổ độc đáo

 III. Một số hình ảnh về hoạt động văn hóa tín ngưỡng tôn giáo tại Phạm Pháo

Nhà thờ Phạm Pháo 

Nhà thờ Phạm Pháo, giáo xứ Phạm Pháo, hạt Quần Phương, địa phận Bùi Chu

(xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định)

        Quý khách về thăm và mua hàng đồ gỗ mỹ nghệ tại tại làng nghề truyền thống Hải Minh (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của quần thể 13 nhà thờ Công Giáo. Trong đó, Nhà thờ Phạm Pháo là nhà thờ lâu đời nhất với vẻ đẹp hài hòa độc đáo bởi những nét trạm chổ mang đậm nét văn hóa Việt hòa quyện đan xen với họa tiết Gothic của các nhà thờ tại Châu Âu.

   Xin được hân hạnh giới thiệu khái quát về Phạm Pháo và  Nhà thờ Phạm Pháo như sau:

    I. Giáo xứ Phạm Pháo – một trong 3 nơi được truyền Đạo đầu tiên tại Việt Nam

   Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục ghi lại:  Vào tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, có Giáo sỹ I-Nê-Khu tới Ninh Cường (huyện Trực Ninh ngày nay), Quần Anh ( Hải Hậu) và Trà Lũ (Bùi Chu -Xuân Trường) để truyền đạo Gia – Tô. Giáo hội Công Giáo Việt Nam ghi nhận đây là 3 địa danh đầu tiên được truyền Đạo Công Giáo tại Việt Nam.

       Năm 1533, khi Giáo Sỹ  I – Nê – Khu tới truyền Đạo  tại  Quần Anh. Tại thôn Bắc Cường xã Quần Anh (là xã đầu tiên hình thành lên huyện Hải Hậu ngày nay)  có hai dải đất bồi hình khẩu pháo được gọi là làng Pháo Đông và làng Pháo Tây. Tại làng Pháo Tây, có 15 gia đình với 45 nhân khẩu theo Đạo, họ tập hợp nhau lại để dựng ngôi Nhà Nguyện bằng tre nứa lá. Vì hầu hết những người trong làng đều là họ Phạm, nên khi xây dựng xong Nhà Nguyện, mọi người đã nhất trí đặt tên là Nhà Thờ  Phạm Pháo. Từ đó, làng Pháo Tây cũng được gọi luôn là làng Phạm Pháo (làng Pháo Đông hiện nay vẫn còn, những người ở đây theo đạo Phật).

Nhà thờ Phạm Pháo 02

                      Năm 1511 Thành lập xã Quần Anh (sau này là huyện Hải Hậu), Làng Pháo Tây thuộc thôn Bắc Cường xã Quần Anh, nơi đây hầu hết mọi người mang họ Phạm. Sau năm 1533 họ đã theo đạo, xây dựng nhà thờ, đặt tên là Nhà Thờ Phạm Pháo. Từ đó, làng Pháo Tây cũng được gọi là làng Phạm Pháo

      Năm 1670, Hội Thánh Việt Nam đã họp Công Đồng lần đầu tiên tại Phố Hiến (Hưng Yên) dưới sự chủ tọa của Đức Cha Pierr Lamberit de la Mott, Công Đồng đã đưa ra chương trình hành động gồm: đào tạo chúng sinh và chia giáo xứ.

    Theo đó bà con giáo dân đã làm đơn đệ trình và Giáo Xứ Phạm Pháo được công nhận là giáo xứ vào năm 1685, nhận Thánh Phê rô làm Quan Thày.

     Từ đây, Phạm Pháo phát triển thành một giáo xứ rất lớn, đến cuối Thế Kỷ 18 và nửa đầu thế kỷ 19, Phạm Pháo đã có 11 giáo họ trực thuộc trên địa bàn 6 xã của 2 huyện là Hải Hậu và Trực Ninh ngày nay,  như: giáo họ Hai Giáp, Quần Vẽ (Hải Anh); Phạm Rị (Hải Trung);  Nam Đường Thượng, Nam Đường Hạ, Tùng Phương (Hải Đường); Đất Đạo (Trực Đại); Tùng Nhì ( Trực Thắng); Phương Đê, Trại Đáy, Thủy Cơ (Hải Minh). Một số giáo họ lớn đã được tách ra thành các giáo xứ  như : giáo xứ Hai Giáp (1907), giáo xứ Phạm Rị (1944)...

      Cuối Thế Kỷ 19 và trong Thế Kỷ 20 đã thành lập thêm các giáo họ mới như: Tân Bồi, Trung Hòa, Nam Hòa, Tây Hòa, Bắc Bồi, An Hòa, Đông Hòa, Phương Nam, Phương Minh.

       Sau khi các giáo họ lớn được tách ra thành lập các giáo xứ, Giáo xứ Phạm Pháo ngày nay có các giáo họ là: Giáo họ Phương Đê, giáo họ Trung Hòa, giáo họ Phương Nam, giáo họ Phương Minh. Các giáo họ này đều nằm trên địa bàn xã Hải Minh.

Nhà Thờ Phạm Pháo 03

Nhà Thờ Phạm Pháo: khởi công năm 1895 - khánh thành năm 1905

II. Nhà thờ Phạm Pháo - Một công trình kiến trúc cổ độc đáo

Nhà thờ Phạm Pháo được xây dựng lần đầu tiên vào trước năm 1670 bằng tre nứa lợp lá.

Xây dựng  lần thứ 2  vào khoảng năm 1800 bằng gỗ 5 gian.

Xây dựng lần thứ 3 là ngôi Nhà Thờ hiện nay, khởi công năm 1895, hoàn thành năm 1905. Ngôi Nhà Thờ này được đại tu vào năm 2002-2003 nhưng vẫn đảm bảo nguyên vẹn kiến trúc ban đầu mà cha ông đã để lại.

Nhà Thờ Phạm Pháo 04

     Nhà Thờ được làm  bằng gỗ lim 9 gian, lợp ngói Nam với kiến trúc thuần Việt:  chiều dài 40m x rộng 18,5m. có 36 chiếc cột, trong đó 18 chiếc cột cái đường kính 80 cm cao 9m, 18 cái cột quân đường kính 60 cm cao 7m. 

     Đặc biệt Nhà Thờ có 9 bộ vì được các nghệ nhân lành nghề điêu khắc tinh xảo,  trong đó 8 bộ vì  trạm chổ Long Ly Quy Phượng. Mỗi bộ vì có 27 đấu rế và 48 con rồng khắc nổi hai mặt với đường nét hòa quyện thật tinh tế, nên  có thơ để lại  rằng:

Ai về Phạm Pháo tham quan

Thánh Đường cân đối thấy lòng ngất ngây

Tám vì  trạm chổ đẹp thay !

Rồng bay uốn khúc như mây bầu trời

Hai bảy đấu rế ai ơi !

Tám vì đều thế sáng tươi thánh đường

Phục tài tiên tổ kỷ cương

Sao mà đẹp thế ngát hương xa gần

(Thơ trích trong Kỷ Yếu Phạm Pháo, biên soạn năm 2004)

Nhà Thờ Phạm Pháo 06

Gian Cung Thánh Nhà thờ Phạm Pháo, Tòa thờ và cửa võng được làm bằng gỗ vàng tâm, sơn son thiếp vàng

 Tại gian Cung Thánh trên bức riễu có dòng chữ Hán: “ Giáng Sinh Nhất Thiên Cửu Bách Ngũ Tải” nghĩa là: “Lễ Giáng Sinh năm 1905”.

Trên Long Cốt gian thứ 2 có dòng chữ bằng tiếng La Tinh : “Hoc est domus B. M. 2 – Ocdifica A. D. 1905” Nghĩa là: “Ngôi nhà này, lắp Thượng Lương  ngày 2 tháng 10 năm 1905”.

Trên Long Cốt gian thứ 3 có ghi bằng tiếng Việt: “Đại Tu ngày 26-10-2002”

  (Nhà Thờ Phạm Pháo được đại tu vào năm 2002-2003).

Nhà thờ Phạm Pháo 08

Họa tiết Gothic Châu Âu và họa tiết búp đòng truyền thống Á Đông được hòa quyện với nhau một cách tài tình.

         Cây tháp cao 25m và gờ mái được xây dựng theo kiến trúc Gothic.

        Trên hai cây tháp có hai quả chuông Tây (được đúc từ Pháp)  lắp đặt năm 1920. Hai quả chuông được đúc với tỷ lệ vàng và đồng khác nhau tạo ra hai âm thanh du dương trầm bổng khác biệt với tiếng chuông của 12 nhà thờ khác quanh vùng, khiến mỗi người chỉ nghe 1 lần cũng phân biệt được ngay đây là tiếng chuông của Nhà Thờ Phạm Pháo. Những người con xa quê thì nhớ mãi không sao quên được tiếng chuông chiều thân thương nơi đất mẹ.

Nhà thờ Phạm Pháo 09

Tòan bộ cửa đi Nhà Thờ Phạm Pháo được trạm trổ cầu kỳ với các tích cổ truyền thống như Tùng Cúc Trúc Mai...

Nhà thờ Phạm Pháo 10

Thánh Đài Đức Mẹ AVE MARIA

 Thánh đài được thiết kế 8 mái cong Phương Đình – Tam Quan, một kiểu kiến trúc đặc chưng trong các làng quê Việt

Nhà thờ Phạm Pháo 12

Cổng vào Nhà Thờ Phạm Pháo

 Cổng vào Nhà thờ Phạm Pháo được thiết kế thuần túy Á Đông, lơp ngói, mái uốn cong với đầu đao hình tượng rồng uốn lượn. Trên cột hai bên có  hai đôi câu đối, một mặt viết bằng chữ Việt, mặt kia viết bằng chữ Hán với nội dung như sau:

 Câu đối trong: Phạm địa chí kim tú mỹ gian sơn xưng tú lệ - Pháo đường tự cổ thập phương Giáo hội đáo quan chiêm.

Câu đối ngoài: Nam Bắc Đông Tây các phương đồng kính ngưỡng - Thu Đông Xuân Hạ tứ thời công xưng tôn

Tượng đài xung quanh Nhà thờ:

Tượng đài thánh Đa Minh - gx Phạm Pháo 

Tượng đài Thánh Đa Minh được xây dựng ở phía cuối Nhà Thờ Phạm Pháo

 Tượng Đài Thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm (1732-1773)

Tượng đài nhà thờ Phạm Pháo

Tượng Đài Thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm (1732-1773)

Thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm sinh năm 1732 tại Trà Lũ, phủ Thiên Trường (Xuân Trường Nam Định). Thụ phong Linh mục năm 1758. Cha chánh xứ Phạm Pháo năm 1759-1773. Tử Đạo ngày 07/11/1773. Ngài được Phong Chân Phước năm 1906, Phong Thánh năm 1988 cùng 117 Vị Tử Đạo Việt Nam.

 

Tượng Đài Thánh Đa Minh Nguyễn Văn Xuyên (1786-1839)

Tượng đài nhà thờ Phạm Pháo

Tượng Đài Thánh Đa Minh Nguyễn Văn Xuyên (1786-1839)

Thánh Đa Minh Nguyễn Văn Xuyên sinh năm 1786 tại Hương Hiệp,Thái Bình. Thụ phong Linh mục năm 1819. Cha chánh xứ Phạm Pháo năm 1820-1836. Tử Đạo ngày 26/11/1839 tại Bảy Mẫu Nam Định. Ngài được Phong Chân Phước năm 1900, Phong Thánh năm 1988 cùng 117 Vị Tử Đạo Việt Nam. 

III. Một số hoạt động văn hóa tôn giáo tại giáo xứ Phạm Pháo.

   Quý khách về tham quan nhà thờ Phạm Pháo trong các dịp Lễ Trọng, quý khách sẽ được chiêm ngưỡng các hoạt động sinh hoạt văn hóa tôn giáo tại nơi đây, đặc biệt là nghe bản nhạc có 1000 Nhạc Công, Phải chăng đây là đội kèn đồng lớn nhất Thế Giới ?

Kèn đồng Phạm Pháo

Đội kèn đồng 1000 Nhạc Công Phạm Pháo - Nhiều quý khách cho rằng: đây là đội kèn đồng lớn nhất Thế Giới ?

   Tại khu vực Giáo Miền Phạm Pháo (xã Hải Minh, huyện Hải Hậu) có 13 nhà thờ, mỗi nơi có một  đội kèn đồng nghiệp dư. Đội kèn của nhà thờ giáo họ ít giáo dân thì có 30- 60 người. Đội kèn của nhà thờ giáo xứ lớn có đông giáo dân thì có tới trên 100 người. Mỗi khi có Lễ Trọng, các đội kèn tập hợp nhau lại lên tới 1000 tay kèn. Mỗi khi tiếng nhạc vang lên, cá ở các ao hồ lân cận nhảy vọt cả lên bờ, nhiều du khách tới đây cho rằng, đây là đội kèn đồng lớn nhất Thế Giới.

   Ngoài đội kèn đồng nổi tiếng gần xa, tại nơi đây còn có các ban nhạc khác cũng nổi tiếng không kém :

đội nhạc giây nữ Phạm Pháo

Đội nhạc dây cử nhạc trong Thánh Lễ tại Nhà Thờ Phạm Pháo

đội trống Phạm Pháo

Đội trống  Phạm Pháo

đội Bát Âm giáo xứ Phạm Pháo

Đội Bát Âm Phạm Pháo

Đội trắc Phạm Pháo

Đội trắc Phạm Pháo

 Dâng hoa tại nhà thờ Phạm Pháo

Dâng hoa kính Đức Mẹ tại Nhà Thờ Phạm Pháo

đường làng Phạm Pháo đêm Noel

Đường làng Phạm Pháo đêm Noel

         Phạm Pháo thuở đầu lập ấp, theo đạo và xây dựng nhà thờ khi chỉ có 15 hộ gia đình người họ Phạm với 45 nhân khẩu. Ngày nay, sau 500 năm tồn tại và phát triển, Phạm Pháo là một giáo xứ lớn, có nhiều dòng họ với hàng nghìn nhân khẩu tới sinh sống. Các giáo dân nơi đây góp phần làm lên một làng nghề Hải Minh nổi tiếng: có kinh tế phát triển, đời sống tín ngưỡng tôn giáo văn hóa tinh thần phong phú, có các nghệ nhân và thợ tay nghề bậc cao trong các lĩnh vực điêu khắc trạm khảm trên gỗ mỹ nghệ, tạc tượng, vẽ tranh sơn dầu, cây cảnh nghệ thuật... Các công trình kiến trúc cổ kính do cha ông để lại đang được các thế hệ con cháu giữ gìn nguyên vẹn cùng với niềm tự hào về mảnh đất Quần Anh - Mỹ Tục Khả Phong linh thiêng - một trong 3 nơi được Đón Nhận Tin Mừng (theo Đạo) đầu tiên của Việt Nam.

         Cảm mến tình cảm chân thành mộc mạc và nồng ấm của bà con giáo dân nơi đây, Nhà thơ Phạm Quốc Khánh và Vũ Quốc Toản đã viết:

Ai qua Cầu Ngói Chợ Lương

Ghé thăm mỹ nghệ Hải Minh làng nghề

Hoành phi câu đối tủ chè

Đi lên đổi mới diệu kỳ sáng tươi

Bãi bồi Trại Đáy ngày xưa

Vẳng nghe trạm đục như là nhạc reo

Phạm Pháo vọng tiếng chuông chiều

Kèn đồng lay động biết bao tâm hồn

Tân Bồi cửa Trệ ngắt xanh

Lúa ngô kín bãi nhà vườn tươi cây

Làm giàu bởi chính bàn tay

Đổi đời từ những đêm ngày tư duy

....

Hải Minh đẹp lắm ai ơi !

Hát vang khúc hát xây đời thiết tha ...

  

XIN TRÂN TRỌNG CẢM ƠN QUÝ VỊ ĐÃ GIÀNH THỜI GIAN ĐỌC CHUYÊN SAN NÀY, KÍNH CHÚC QUÝ KHÁCH VÀ GIA ĐÌNH: MẠNH KHỎE - PHÚ QUÝ THỌ KHANG NINH !

CÔNG TY CỔ PHẦN MỸ NGHỆ HẢI MINH

Số 1, khu 2 Cụm CN làng nghề xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định

ĐT: 0918 653 838 , Email : mnhm@mynghehaiminh.vn

http://mynghehaiminh.vn , http://facebook.com/my.nghe.hai.minh.vn

Quý khách có thể bấm vào các đường dẫn sau đây để xem các bài chuyên san khác có nội dung liên quan:

 

 


Đăng ý kiến của bạn
  • Nguyễn Thành Chung viết vào lúc 20/08/2021 08:59
    Cảm ơn tác giả nhé, bài viết rất hay. Tôi đến Phạm Pháo nhiều lần mà không được biết lịch sử của giáo xứ lại lâu đời như vậy, thật tự hào.
  • Vinh Trần viết vào lúc 21/07/2020 10:04
    Cảm ơn Công ty Mỹ nghệ Hải Minh
    Đọc comment tôi thấy vui quá, đúng là dòng họ Trần của chúng tôi đến từ Ninh Cường. Cảm ơn quý vị đã hồi âm
    Kính chúc quý vị mạnh khỏe, nhận được nhiều hồng ân Thiên Chúa.
  • Nguyễn Văn Tâm viết vào lúc 29/06/2020 17:13
    Tình cờ tôi đọc được bài viết này, hay quá.
    Cảm ơn tác giả nhé.
  • Mỹ nghệ Hải Minh viết vào lúc 25/06/2020 09:35
    Chào Bác Vinh Trần

    Chúc tôi rất vui khi đọc được ý kiến của Bác. Bác Vinh Trần xa quê từ năm 1954 vậy là năm nay Bác cũng trên 70 tuổi rồi. Kính chúc Bác và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc an khang.
    Về câu hỏi của Bác về tại sao lại có tên là Thủy Cơ.
    Theo Cuốn Kỷ Yếu Phạm Pháo biên soạn năm 2004 thì: Thủy Cơ là nước sông Ninh Cơ.
    Vào khoảng sau năm 1533, những Ngư dân theo Đạo sống ở Lạch Lác (Ninh Cường, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định ngày nay) đã đến tụ tập ở cửa sông Trệ, là một nhánh phía Nam của sông Ninh Cơ để làm nghề chài lưới.
    Đến giữa thế kỷ XIX có tới 50 hộ giáo dân, đa số là họ Trần (có thể dòng họ nhà Bác cũng nằm trong số này), những giáo dân làm nghề chài lưới đánh bắt cá này đã tụ hội nhau lại để tiến hành làm ngôi nhà Nguyện ở ngay cửa sông Trệ và đặt tên là Giáo họ Thủy Cơ và nhận Thánh Phêrô làm Quan Thày.
    Vì khu vực cửa sông Trệ bị ngập lụt, Năm Canh Dần (1890) giáo họ đã xây dựng nhà thờ mới trên dải đất liền đối diện nhà thờ Trại Đáy ngày nay (cách cửa sông Trệ khoảng 900m). Ngôi nhà thờ này có các bức tranh vẽ trên trần nhà rất đẹp đúng như bác nhớ được.
    Năm 1954 các giáo dân của giáo họ Thủy Cơ đi di cư gần hết, Ngôi Thánh Đường vắng người, bị hư hỏng tiêu điều xơ xác. Năm 1973 Đức Cha địa phận Bùi Chu đã giao cho Dâu 3 giáo xứ Phạm Pháo trông coi và thờ phượng và gọi là Giáo họ Phê rô.
    Vào đầu năm 2000, ngôi Nhà Thờ này được xây dựng lại, hoàn thành năm 2004, nhà thờ rất khang trang to đẹp. Điều kiện kinh tế của bà con giáo dân hiện nay đã khấm khá hơn rất nhiều hơn so với năm 1982 khi bác về thăm quê.
    Rất hân hạnh được mời Bác Vinh Trần và gia đình về thăm quê hương yêu dấu.
    Trân trọng!
  • Vinh Trần viết vào lúc 24/06/2020 16:16
    Xin chào Quý Công ty Mỹ nghệ Hải Minh
    Các Cụ nhà chúng tôi ngày xưa ở Thủy Cơ, Phạm Pháo. Các cụ đưa chúng tôi đi di cư năm 1954 khi tôi còn rất nhỏ, tôi nhớ được là có ngôi nhà thờ có rất nhiều tranh vẽ Thiên Thần trên trần nhà. Năm 1982 anh em chúng tôi có về thăm quê được nửa ngày, thấy ngôi nhà thờ này vẫn còn nhưng đã hư hỏng một số. Chúng tôi thấy kinh tế rất khó khăn, nhưng chúng tôi được tiếp đón rất nhiệt tình. Chúng tôi cũng tới nhà thờ Phạm Pháo thấy rất cổ kính và đẹp lắm. Nay tình cờ được đọc bài viết này tôi thấy rất hay và nhớ quê hương. Kính xin Thiên Chúa ban phước lành cho Quý Công ty và các Quý vị.
    Tôi có thắc mắc tại sao lại có tên Thủy Cơ ? Quý vị có thể trả lời giúp tôi không.
    Xin trân trọng cảm ơn!
  • Phạm Mai Phương viết vào lúc 19/06/2020 20:21
    Ôi Phạm Pháo quê tôi, tự hào quá
    Cảm ơn tác giả nhé, nhìn ảnh mà thấy nhớ nhà ghê, gần chục năm xa cách mà chưa được về thăm nhà.