Nhà thờ đá Phát Diệm - Ninh Bình


Nhà thờ đá Phát Diệm là một công trình di tích lịch sử đặc sắc đang được đề nghị để UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Xin được hân hạnh giới thiệu tới quý vị công trình kiến trúc độc đáo này cùng các công trình khác tại Tòa Giám Mục Phát Diệm,

MỤC LỤC

 1. Nhà thờ Đá Phát Diệm

 2. Phương Đình

 3. Nhà thờ Chính Tòa

 4. Nhà thờ Thánh Giuse

 5. Nhà thờ Thánh Phê rô

 6. Nhà thờ Trái Tim Chúa Giêsu

 7. Nhà thờ Thánh Rô Cô

 8. Núi Sọ

 9. Hang đá Bê Lem

 10. Hang đá Lộ Đức

 

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 01

Nhà thờ Đá Phát Diệm

 

    1. NHÀ THỜ ĐÁ PHÁT DIỆM

    Nhà thờ Đá Phát Diệm  là một nhà thờ làm toàn bộ bằng đá, là 1 trong 10 công trình độc đáo của quần thể các nhà thờ của Tòa Giám Mục Phát Diệm. Quần thể này rộng 22 ha, tọa lạc tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. (cách Hà Nội khoảng 120 km về hướng Nam, cách làng nghề Hải Minh khoảng 29 km về hướng Tây). 

     Hiện nay, tỉnh Ninh Bình và các nhà nghiên cứu Nhật Bản đang hoàn thiện hồ sơ về kiến trúc nhà thờ Phát Diệm để đề nghị UNESCO công nhận nhà thờ đá  Phát Diệm và các công trình xung quanh là di sản văn hóa thế giới.

    Nhà thờ đá được xây dựng năm 1883. Nhà thờ dài 15,30m, rộng 8,50m, cao 6m; nền, cột, xà, tường, chấn song, tháp, bàn thờ đều bằng đá, do đó được gọi là Nhà thờ Đá.


Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 02

  Mặt tiền gồm một tòa Đức Mẹ ( kính Trái Tim Đức Mẹ làm quan thày). Hai tháp hai bên, hình vuông, năm tầng, có những nét giống Tháp Bút bên Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội.

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 03

Toà Đức Mẹ bằng đá, có khắc bốn thứ tiếng. Trên cùng là chữ Việt: “Lái Tim Rất Thánh Đức Bà chẳng hề mắc tội tổ truyền, cầu cho chúng tôi” . Chung quanh tòa là chữ Hán: Thánh Mẫu Tâm” (ở trên). “Vô Nhiễm nguyên tội”-“Vị thần đẳng cầu” (hai bên) nghĩa là: “Trái Tim Mẹ Thánh không mắc tội tổ tông, cầu cho chúng tôi”. Phía dưới có chữ Pháp và chữ La-tinh: “Trái Tim Vô Nhiễm Đức Maria, cầu cho chúng tôi”.

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 04

     

    Nhà thờ đá Phát Diệm được báo chí đánh giá là một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam, được ví như "kinh đô công giáo" của Việt Nam. Đây là một công trình lớn, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Phát Diệm rộng lớn ở phía bắc Việt Nam.

    Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 05

Phía trong Nhà thờ bằng đá cẩm thạch nhẵn bóng, với những đường nét thanh thoát nhẹ nhàng. Ba bàn thờ bằng đá chạm trổ; mặt trước bàn thờ chính, ở giữa có hình trái tim với lưỡi gươm đâm thâu, bên trái tạc một cái giếng đậy nắp với hai chữ La-tinh “Puteus Signatus”(“Giếng niêm phong”), bên phải tạc một khu vườn rào kín: giếng niêm phong và và vườn rào kín chỉ Đức Mẹ trinh khiết. Trên bàn thờ chính là Nhà Tạm bằng gỗ chạm, sơn son thiếp vàng và tòa Đức Mẹ bằng đá.

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 06

Nét độc đáo của công trình này ở chỗ: mặc dù là nhà thờ Công giáo nhưng được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam.  

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 07

Biểu tượng Sen được trạm khắc rất sinh động, là một trong những nét độc đáo của Nhà thờ  đá.   

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 08

     Vách hai bên là những chấn song đá, gần vách có những bức đá chạm thông phong (chạm lộng) hình cây tùng và cúc (phía Đông), mai và trúc (phía Tây)

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 09

Quần thể kiến trúc này được chủ trì xây dựng dần dần bởi linh mục Phêrô Trần Lục (còn gọi là cụ Sáu) - Linh mục ở giáo phận Phát Diệm từ năm 1865-1889  và các giáo dân Công giáo trong hơn 30 năm.

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 10

 Bên ngoài nhà thờ còn có những bức chạm thông phong (chạm lộng) bằng đá rất đẹp, hình chim phượng hoàng xòe cánh, mang bút nghiên, và con sư tử có bờm dài và răng nanh nhưng mặt trông như mặt người đang cười. Sau đó cũng nên xem hai cửa đá nhỏ xinh xắn phía Bắc.

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 11

Nhà thờ Đá, tác phẩm đầu tay của Cụ Sáu quả là một kiệt tác, xứng đáng với danh hiệu “Viên Ngọc” mà có người  đã tặng cho.

*

*    *

 

 

  Ngoài Nhà thờ đá, chúng ta tiếp tục chiêm ngưỡng các các hạng mục khác nơi đây như sau:

 

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 12


  2. PHƯƠNG ĐÌNH  

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 13

        Phương Đình có nghĩa là “nhà vuông”, hình dáng như cái đình làng rộng lớn mà trống trải, kích thước gần như vuông; chiều ngang 21m, sâu 17m, cao 25m, có 3 tầng. Tầng dưới lớn nhất, xây toàn bằng đá xanh vuông vắn, chia thành ba lòng, trong mỗi lòng có một sập đá. Sập đá ở lòng giữa to nhất, là một khối dài 4,20m, rộng 3,20m, dày 0,30m, tương truyền là sập rồng của vua thời Nhà Hồ (1400-1407) ở thành Tây Giai (Thanh Hoá) ngày xưa. Trên các vách có phù điêu bằng đá, tạc một số vị Thánh. Cũng đáng để ý những chấn song đá hình cây trúc. Trên các vách ngoài của tầng dưới có những phù điêu tạc sự tích Chúa Giêsu, từ khi Chúa vào thành Giêrusalem đến khi Chúa lên trời.

       Qua cổng đá, khách vào sân lát toàn gạch ngang dọc là đường kiệu lát đá thước xanh (thước đây là thước ta bằng 40cm); những viên đá này rộng 40cm, dài từ 40cm đến 120cm, đây đó trồng nhãn rợp bóng mát. Bước vào sân, người tín hữu bắt đầu cảm thấy tâm hồn trầm lắng xuống, sẵn sàng đi vào cầu nguyện. Khách có thể đi thăm Phương Đình (6) trước hết. Phương Đình hoàn thành năm 1899, là công trình sau cùng của Cụ Sáu, và theo ý kiến của nhiều người, là kiệt tác của toàn bộ khu này. Đứng ở sân rộng phía nam mà ngắm, khách có cảm tưởng một cái gì đó đồ sộ vững chắc, đồng thời hoàn hảo về mặt nghệ thuật kiến trúc.

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 14

 

        Ở mặt chính, phía Nam, có khắc bốn đại tự “Thánh Cung Bảo Toà” nghĩa là “Toà quý của thân thể Thánh”, còn mặt phía Bắc mang những chữ La-tinh  “Capella in Cœna Domini” nghĩa là “Nhà nguyện trong (ngày kỷ niệm) Tiệc ly của Chúa”. Những chữ khắc đó nhắc ta nhớ rằng ngày xưa Phương Đình dùng làm tòa đặt Mình Thánh để chầu trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, kỷ niệm bữa Tiệc ly. Hai bên bốn chữ:“Thánh Cung Bảo Toà” có những hàng chữ Hán nhỏ hơn, dịch: “Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, năm Kỷ Hợi niên hiệu Thành Thái” (tức năm 1899).

       Qua một cầu thang hẹp, khách lên tầng giữa, cũng bằng đá, có mái, ở đây đặt một trống cái, chỉ dùng các ngày Chúa Nhật và lễ lớn cùng với chuông. Ở bốn góc tầng này là bốn tháp nhỏ có mái cong, trên đỉnh là tượng bốn vị Thánh chép sách Tin Mừng: Tháp phía Đông-Nam là Thánh Máccô, Tây-Nam là Thánh Luca, Đông-Bắc là Thánh Gioan và Tây-Bắc là Thánh Mátthêu. Một cầu thang gỗ đưa lên tầng trên cùng, bằng gỗ, có mái, nơi đặt quả chuông Nam cao 1,90m, đường kính 1,10m, nặng gần 2 tấn. Chuông có 4 núm: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Trên bốn mặt có chữ La-tinh ghi: “Thánh Maria, Thánh Giuse, Thánh Gioan Tẩy Giả Năm Chúa Giáng Sinh 1890”; mặt khác ghi lời chuông nói: “Tôi ca tụng Chúa thật, tôi kêu gọi dân chúng, tôi tập hợp giáo sĩ, tôi khóc người qua đời, tôi đẩy lui dịch tễ, tôi điểm tô ngày lễ”. Trên mặt chuông còn ghi hai dòng chữ Hán: “Thành Thái Canh Dần Tạo” (“làm năm Canh Dần, thời Vua Thành Thái”) và  “Phát Diệm xứ công vật” (vật chung của xứ Phát Diệm). 

       Hơn 100 năm nay, sáng chiều chuông vẫn ngân vang, âm thanh vọng đi xa, có khi đến 10km, để nhắc nhở người tín hữu nâng tâm hồn cầu nguyện với Chúa. Từ tầng cao nhất này, khách có thể nhìn bao quát chung quanh: gần hơn là Ao Hồ, Nhà Thờ Lớn và các Nhà thờ cạnh; xa hơn có thể đếm được 20 nóc nhà thờ vùng Kim Sơn; xa hơn nữa, vào những ngày đẹp trời có thể thấy biển ở phía Nam và núi ở phía Tây.

 

 

3. NHÀ THỜ CHÍNH TÒA PHÁT DIỆM

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 16

 

    Từ sân giữa nhìn lên phía Bắc, khách có thể ngắm mặt tiền Nhà Thờ Chính Tòa (Nhà thờLớn) . Đứng trước Phương Đình, khách có cảm giác đứng trước một cái gì đồ sộ oai nghiêm, còn trước mặt tiền này, khách được chiêm ngưỡng một cái gì vừa mỹ lệ tinh xảo, vừa thanh thoát lôi cuốn.

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 17

     Nhà thờ Lớn đã được cất lên năm 1891 chỉ trong vòng ba tháng, nhưng công việc chuẩn bị là sắm sửa vật liệu và trị chân móng đã kéo dài cả mười năm trước đó.

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 18

     Về vật liệu, gỗ thì lấy từ Nghệ An, Thanh Hoá và Sơn Tây, đá lấy ở núi Thiện Dưỡng cách Phát Diệm 30km, đá quý hơn lấy ở núi Nhồi gần tỉnh lỵ Thanh Hóa, cách 60km. Có những cây gỗ nặng tới 7 tấn, những phiến đá nặng đến 20 tấn đã được vận chuyển bằng những phương tiện thô sơ hồi đó. Còn về chân móng, nên nhớ rằng Phát Diệm xưa là biển đã được đất phù sa bồi lên, nên Cụ Sáu đã phải cho đóng xuống hàng triệu cọc tre và đổ xuống biết bao nhiêu đất đá mới đặt được nền móng Nhà Thờ vững chắc cho đến nay.

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 19

      Trở lại xem mặt tiền Nhà Thờ Lớn, ta thấy phía dưới có năm lối vào bằng đá, phía trên là ba tháp vuông bằng gạch có mái cong.

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 20

          Trên đỉnh tháp giữa, có tượng hai Thiên Thần cầm Thánh Giá, hai bên là hai Thiên Thần khác thổi loa, ở dưới là bốn chữ Hán “ Thẩm Phán Tiền Triệu” (“Điềm báo trước ngày Phán xét”).

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 21

 

       Đá của năm lối vào phía dưới được chạm khắc rất tinh vi, đặc biệt trên lối chính giữa là một phiến đá dài 4,20m, cao 1,50m, dày 0,70m, chạm một bụi hoa Mân Côi (tức hoa hồng) từ giữa tỏa ra, trên các ngành có 17 vị Thiên Thần.

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 23

        Trên mỗi lối vào có ba bức phù điêu, tạc các Mầu nhiệm Tràng hạt Mân Côi. Từ trái sang phải là: Thiên Sứ Truyền tin, Đức Bà đi viếng, Đức Bà sinh Chúa Giêsu,

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 24

      Đức Bà dâng Con, Đức Bà tìm thấy Con (năm sự Vui); Chúa Giêsu hấp hối trong vườn, Chúa chịu đánh đòn, Chúa đội mão gai, Chúa vác Thánh Giá, Chúa chịu đóng đinh (năm sự Thương); Chúa sống lại, Chúa lên trời, Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Bà lên Trời, Đức Bà đội triều thiên (năm sự Mừng).

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 25

 Năm lối vào Nhà thờ Lớn đều xây toàn bằng đá, sâu 9m, trên vách có phù điêu tạc sáu Thiên Thần cầm bình Nước Phép. Phía trên mỗi vị là một câu La-tinh, nói lên thái độ phải có khi cầu nguyện, đó là-từ Đông sang Tây: “Khi cầu nguyện, bất cứ anh em xin điều gì, hãy tin rằng sẽ được”; “Hãy cầu nguyện và xin như người thu thuế và người bệnh phong”; “Hãy chuẩn bị linh hồn bạn, đừng thử thách Chúa của bạn”; “Nơi đây đáng sợ chừng nào: đây là Nhà Thiên Chúa”; “Anh em hãy xin để cửa mở ra cho anh em, hãy tha thứ nếu anh em có hận gì với ai”; “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ’.

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 26

 

          Trong cùng là năm cửa gỗ chạm trổ dẫn vào Nhà Thờ.

 

 

Từ ngoài Nhà thờ Lớn bước vào trong, phải một lúc nhìn mới rõ, vì bên trong tối hơn bên ngoài nhiều, theo kiểu các đình chùa cổ truyền, tạo bầu không khí trầm mặc thuận tiện cho việc hồi tâm cầu nguyện. 

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 26

Điều đầu tiên thu hút cái nhìn là hai hàng cột lớn ở giữa dẫn đến các bức gỗ chạm ở sau bàn thờ, chói lọi vàng son. Nhà thờ chia làm chín gian với sáu hàng cột gỗ lim, tổng cộng là 52 cột đỡ lấy 4 mái. 16 cây cột ở giữa chu vi 2,60m, cao 11m, nặng 7 tấn, phía trong các cột này đều có chữ La-tinh khắc chìm: “Pax Domini” (“Bình an của Chúa”), còn các cột ở hai hàng ngoài cùng có chữ: “Ave Maria, Joseph” (“Kính chào Maria, Giuse”).

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 28

. Điêu khắc gỗ ở xà kèo các gian dưới có những đường nét khỏe hơn, ở các gian trên thì tinh vi hơn. Ở gian cuối cùng trước Cung Thánh, trên thượng lương (xà dọc cao nhất) có ghi dòng chữ Hán: “Thành Thái tam niên, ngũ nguyệt, thập thất nhật, lập trụ thượng lương” với con số“1891”. Như vậy ngày dựng nóc Nhà Thờ Lớn  là ngày 17 tháng 5, niên hiệu Thành Thái thứ ba, tức là ngày 23 tháng 6 năm 1891.

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 29

 

Cung Thánh cao hơn lòng Nhà Thờ hai bậc và gồm hai gian, nhưng không có cột ở giữa nên xà vượt (xà dọc đỡ) rất to. Hai bên Cung Thánh là những chấn song đá lớn chạm trổ khá đẹp. Những chấn song này đỡ 14 tấm phù điêu Đàng Thánh Giá, phía tây 7 tấm, phía đông 7 tấm. Nền Cung Thánh lát gạch hoa, có mộ sáu vị Giám Mục đã phục vụ trong giáo phận Phát Diệm: Đức Cha Alexandre Marcou (mộ thứ 3 từ bên trái) người Pháp, Giám Mục thứ nhất của giáo phận (năm 1902), qua đời 1939; Đức Cha Gioan B. Nguyễn Bá Tòng (mộ thứ 4), quê Sài Gòn, Giám Mục Việt Nam tiên khởi, qua đời 1949; Đức Cha Gioan M. Phan Đình Phùng (mộ thứ 2), quê Kiến Thái (Phát Diệm), qua đời 1944; Đức Cha Giuse Lê Quý Thanh (mộ thứ 6), quê Hà Nam, qua đời 1974; Đức Cha Giuse Nguyễn Thiện Khuyến (mộ thứ 5), quê Thanh Hoá, qua đời 1981; Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo (mộ thứ  1), quê Tam Châu, Phát Diệm, qua đời 2001.

Giữa Cung Thánh là một bàn thờ bằng một phiến đá dài 3m, rộng 0,90m, dày 0,20m đặt trên hai cột đá chạm theo kiểu hình cây trúc như ở Phương Đình. Bàn thờ này mới được đặt vào tháng 10 năm 1990 nhân dịp khai mạc Năm kỷ niệm 100 năm xây dựng Nhà Thờ Lớn. Bàn thờ cũ ở phía sau là một khối đá dài 3m, rộng 0,90m, cao 0,97m, ba mặt có chạm trổ hoa lá. Hai bàn thờ cạnh nhỏ hơn, cũng bằng đá chạm trổ, dâng kính Trái Tim Chúa (bên trái) và Đức Mẹ Sầu Bi (bên phải).

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 30

 

Toàn bộ bức vách sau bàn thờ là gỗ, chạm khắc tinh xảo, sơn son thiếp vàng. Chính giữa là toà Đức Mẹ bế Chúa Con, hai bên viền bằng những khung ảnh các Thánh. Phía trên là bảy cửa kính vẽ hình sáu Thánh Tử Đạo đứng hai bên Chúa Giêsu làm Vua.

Từ trái sang phải: Thánh nữ Anê Đê (Lê Thị Thành), người làng Phúc Nhạc (+1841); Thánh Micae Hồ Đình Hy (+1839); Thánh Phêrô Dumoulin-Borie Cao, Giám Mục Phó địa phận Tây Đàng Ngoài (khi đó gồm cả Phát Diệm, +1838); Thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan, Cha xứ Phúc Nhạc (+1840); Thánh Nicola Bùi Đức Thể (+1839); Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ, lý trưởng làng Vĩnh Trị (+1838). Phía trên cùng là khung ảnh Đức Mẹ ban tràng hạt Mân Côi cho Thánh Đaminh, chung quanh là 12 Thiên Thần. Ngắm nghía công trình điêu khắc gỗ lớn này, khách vừa thán phục tài nghệ của những người thợ thủ công ngày xưa, vừa ngạc nhiên nhận thấy rằng sau hơn 100 năm các tấm gỗ chạm thiếp vàng vẫn còn rực rỡ như mới.

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 31

 

Thăm xong phía trong, khách bước qua ngưỡng cửa gỗ khá cao ra ngoài hiên. Hai bên Nhà Thờ toàn là cánh cửa gỗ, mỗi bên 28 cánh, có thể mở ra hoặc tháo đi cho thoáng mát nếu cần. Hiên rộng, 1,50m, nền đá; qua ba bậc đá cao là xuống sân. Khách có thể xem phía ngoài các con sư tử đá chạm bong ở gian cuối, hoặc các bình nước phép bằng thạch nhũ, và nhìn chiều dài hun hút của Nhà Thờ: 74m (chiều rộng 24m). Lùi ra một chút khách thấy mái Nhà Thờ có hai tầng, giữa mái trên và mái dưới là một hàng cửa sổ để lấy ánh sáng và không khí. Các phiến gỗ đỡ phần dưới cùng của mái đều chạm trổ và dù đã chịu bao mưa nắng vẫn còn tốt.

       Sau khi thăm Phương Đình và Nhà Thờ Lớn, khách có thể đi xem các công trình phụ khác: các Nhà thờ bên cạnh và các Hang đá.

4. NHÀ THỜ THÁNH GIUSE

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 32

Nhà thờ Thánh Giuse  ở phía Tây-Nam Nhà Thờ Lớn, dựng năm 1896, toàn bằng gỗ lim. Các cột hình bát giác đều trổ hoa lá quấn quýt. Trước gian Cung Thánh có treo hai vật bằng gỗ chạm như hình bình hương, bên trên có miếng gỗ hình bầu dục nằm ngang, khắc chữ La-tinh thiếp vàng chung quanh: “Salve Pater Salvatoris-Salve Custos Redemptoris” (“Kính chào Cha Vị Cứu Tinh-Kính chào người gìn giữ Đấng Cứu Thế” và ở giữa:“Ite ad Joseph” (“Hãy đến với Giuse”).

5. NHÀ THỜ THÁNH PHÊ RÔ

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 33

Từ Nhà thờ Thánh Phêrô xâynăm 1896  bằng gỗ mít (các phần phục chế bằng gỗ dổi).

6. NHÀ THỜ TRÁI TIM CHÚA GIÊ SU

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 34

 Nhà Thờ Trái Tim Chúa Giêsu dựng năm 1889, bằng gỗ lim mật, gọi thế vì mặt gỗ như có bôi mật. Ba bàn thờ bằng đá chạm trổ. Mặt trước bàn thờ chính có khắc những con vật tượng trưng Đức Giêsu, bên trái: con chiên (Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa); ở giữa: Chim bồ nông lấy máu thịt mình nuôi con; bên phải: con sư tử (Đức Giêsu là Sư Tử chi tộc Giuđa đã thắng). Trên bàn thờ có tòa bằng đá với những chữ Hán, ở trên: “Thánh Tử Tâm” (“Trái Tim Người Con Thánh”), hai bên: “Giáo Nguyên Hữu Chúa”-“Đạo Xuất Vu Thiên” (“Việc giáo hóa duy chỉ có Chúa-Đạo lý xuất phát từ trời”). Các cột đều hình tròn kẻ múi, xà ngang dọc chạm trổ hoa lá.

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 35

    Nét độc đáo của Nhà thờ này so với ba Nhà thờ liền kề là: mặt tiền có ba tháp hình dáng thon cao, và nhất là toàn bộ cửa phía cuối chạm trổ rất tinh vi đến từng chi tiết nhỏ. Tương truyền rằng một công chức cao cấp người Pháp đã xin Cụ Sáu đưa sang Paris triển lãm, nhưng Cụ đã từ chối, vì muốn để lại dâng cho Chúa mãi mãi.

7. NHÀ THỜ THÁNH RÔ CÔ

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 36

Nhà thờ Thánh Rôcô  dựng năm 1895. Nhà thờ này trước kia dâng kính Thánh Gioan Tiền hô, đến năm 1923 có dịch tả, giáo dân kêu cầu Thánh Rôcô (một vị Thánh khi còn sống đã có lòng thương giúp các bệnh nhân) mà được khỏi, nên Nhà thờ được đổi tên. Bàn thờ từ trên xuống dưới là một phiến đá toàn khối. Các phần khác bằng gỗ mít, nhiều chỗ chạm trổ trông như những bức rèm vén lên.

8. NÚI SỌ

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 37

   Ở phía nam lầu chuông Nhà thờ Đá, là Núi Sọ xây năm 1898. Núi nhỏ này trước kia gọi là Hang Đá Belem, vì hàng năm đến lễ Sinh Nhật thì rước tượng Chúa Hài Đồng đến đặt tại đó cho giáo dân viếng. Năm 1957, một tượng Chúa chịu đóng đinh hai bên có Đức Mẹ và Thánh Gioan được dựng lên nên từ đó mang tên Núi Sọ.

9. HANG ĐÁ BÊ LEM

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 38

Hang đá Belem xây năm 1875 .Bao quanh là tường hoa bằng đá và gạch thông tráng men xanh. Thứ gạch này rất đẹp, được dùng khá nhiều trong khu Nhà thờ; với thời gian nhiều viên đã bị vỡ, nay được thay bằng gạch mới, khuôn tạo theo kiểu cũ. Sau cổng đá nhỏ, khách đi qua một hồ bán nguyệt trên cây cầu xây. Hiện nay không thể vào xa hơn được nữa vì núi này có nhiều ngóc ngách với những thạch nhũ, những đường lên lối xuống, nhưng năm 1972 do bị bom Mỹ nổ gần, nên bị nứt rạn, nhiều tảng đá đổ xuống hoặc lung lay, rất nguy hiểm. Có người đặt câu hỏi: Làm sao khi xây có thể kéo lên những tảng đá to như thế? Thưa: Ở đây Cụ Sáu dùng một phương pháp mà sau đã dùng để xây mặt tiền Nhà Thờ Lớn và xây Phương Đình, là: xây đến đâu thì chèn đất ở trong đến đó, còn phía ngoài thì đắp đất thoai thoải. Như vậy một mặt trục đá lên dễ dàng, một mặt hồ vữa kịp khô và vững.

10. HANG ĐÁ LỘ ĐỨC

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 39

Hang đá Lộ Đức  xây năm 1896,  trước kia Hang đá này mang tên là vườn Giệtsimani, để nhắc lại việc Chúa Giêsu cầu nguyện trong vườn cây Ô-liu trước khi chịu thương khó. Đó cũng là ý nghĩa bốn chữ Hán khắc ở cổng đá phía trước: “Nguyện Đảo Sơn Viên”, nghĩa là “ Vườn núi cầu nguyện”. Năm 1925, tượng Đức Mẹ Lộ-đức do một vị Thừa sai Vân Nam gửi biếu được đặt tại đây, từ đó gọi là Hang Đá Lộ-đức và giáo dân Phát Diệm có thói quen ra đây cầu nguyện ca hát kính Đức Mẹ sau kinh chiều mỗi ngày thứ bảy. 

*

*   * 

Video về quần thể kiến trúc Nhà thờ đá và các nhà thờ tại Tòa Giám Mục Phát Diệm

   Trên đây là quần thể di tích Nhà thờ đá và quần thể các công tình kiến trúc đặc sắc của Tòa Giám Mục Phát Diệm - Quần thể kiến trúc này đã được Bộ Văn hoá nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xếp hạng di tích LỊCH SỬ-VĂN HOÁ (Quyết định số 28 VH/QĐ ngày 18-01-1988).

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 40

   Linh Mục Phêrô Trần Lục (1825-1899) - Người kiến trúc sư của công trình - có mong muốn rằng:  qua công trình này nói lên tính chất hòa hợp và sự hội nhập giữa đạo Công giáo với nền văn hóa kiến trúc của dân tộc cũng như sự hòa hợp giữa Công giáo với các tôn giáo khác ở Việt Nam.

Nhà thờ đá Phát Diệm  - Ninh Bình 41

XIN TRÂN TRỌNG CẢM ƠN QUÝ VỊ ĐÃ GIÀNH THỜI GIAN ĐỌC CHUYÊN SAN NÀY, KÍNH CHÚC QUÝ KHÁCH VÀ GIA ĐÌNH: MẠNH KHỎE - PHÚ QUÝ THỌ KHANG NINH !

CÔNG TY CỔ PHẦN MỸ NGHỆ HẢI MINH

Số 1, khu 2 Cụm CN làng nghề xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định

ĐT: 0918 653 838 , Email : mnhm@mynghehaiminh.vn

http://mynghehaiminh.vn , http://facebook.com/my.nghe.hai.minh.vn

Quý khách có thể bấm vào các đường dẫn sau đây để xem các bài chuyên san khác có nội dung liên quan: